Phật giáo và đời sống

Phật giáo hôm nay và bổn phận của chúng ta

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn đức!

Sự thông thoáng của nhà nước thông qua Pháp lệnh,Nghị định và những quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách Tôn giáo đã khẳng định cách nhìn nhận mới của Đảng và Chính phủ về lĩnh vực Tôn giáo. Đây là thuận duyên lớn, nguồn hỗ lực để Phật giáo phát triển mang tính phổ cập, Phật giáo hoá đến cộng đồng.

Sau khi thống nhất các hệ phái thành một tổ chức GHPG VN, Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự đã đề ra hiến chương chung của GH với 12 chương 52 điều. Qua năm lần tu chỉnh, chư Tôn Hoà Thượng và Ban tu chính Hiến chương đã đề ra Tôn chỉ, mục đích của GH làm kim chỉ Nam cho mọi trương trình hoạt động của GH nói chung và trách nhiệm,bổn phận, đạo đức của Tăng-Ni, Phật giáo đồ. Dưới sự lãnh đạo của chư Tôn Hoà Thượng lưỡng viện hội đồng 30 năm qua Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển lan rộng, nhiều cơ sở thờ tự được trùng tu, sửa chữa, phục hồi. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng phát triển rộng khắp cả nước. Các Học viện, Trường Phật học ở các cấp học được mở ra ở cả ba miền và các tỉnh thành, nhiều đạo tràng được khai mở với các pháp môn tu tập do các vị  cao  Tăng Thạc đức, các vị Giáo sư, học giả, nhà nghên cứu Phật học trong và ngoài Giáo hội đảm trách giảng huấn, hướng dẫn. Song song với sự phát triển đối ngoại của Nhà nước với thế giới thì GHPG Việt nam cũng có nhiều điều kiện để tham gia các hoạt động giao lưu với cộng đồng Phật Giáo thế giới. Từ những điều kiện thuận duyên này mà thế hệ trẻ Tăng – Ni Việt nam hôm nay được đào tạo có quy trình bài bản, tầm kiến thức được nâng cao về nhiều mặt, nhiều lãnh vực. Đặc biệt khoa học công nghệ góp phần không nhỏ trong lãnh vực thu thập kiến thức cũng như quảng bá kiến thức và sự phát triển của Phật giáo Việt nam trên thế giới. Đây là những duyên lành, là niềm hạnh phúc của những Phật giáo đồ và là cơ duyên tốt lành cho thế hệ trẻ Tăng-Ni, Phật tử việt nam chúng ta.

 

Kính bạch chư tôn đức!

 

“Chúng ta chẳng thể làm đuợc gì nhiều đối với những người khác, đối với những thế lực bên ngoài. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không hành trì, không giữ gìn giới luật cho nghiêm ngặt thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành đạo đức giả”(hypocritical)

 

Như đẫ nêu ở phần trên, Phật Giáo Việt nam chúng ta đang có rất nhiều những thuận duyên để phát triển sâu rộng, xong không thể vì thế mà chúng ta có thể chủ quan nơi lỏng trong bổn phận trách nhiệm tu thân. Kính thưa chư hiền, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng “Xem ngai vàng như đôi dép rách” thản nhiên lên Yên Tử tu và đạt thành chánh quả. Từ nơi ông, đất nước không chỉ độc lập về lãnh thổ mà còn tự chủ về tinh thần, văn hóa, về tín ngưỡng “đạo Phật Việt Nam”.Trong thời đại ngày nay, khi thế giới đang không ngừng chuyển mình với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khi cuộc sống vật chất của con người càng được nâng cao bao nhiêu thì mặt trái của nó lại càng xuất hiện bấy nhiêu bởi sự tìm cầu miên viễn xuất phát từ cái Tham lam, Sân hận, và Si mê của con người

Tính tham lam đã dẫn dụ con người tàn phá thiên nhiên, tàn phá ngay chính môi trường sống của mình để thỏa mãn cái tự ngã vốn có. Khi nào ngọn lửa tham dục vẫn còn thiêu đốt trong Tâm chúng ta thì lửa còn bùng cháy tại các cánh rừng, lũ quét, sạt nở, động đất, sóng thần sẽ vẫn cứ xảy ra…, tầng ô zôn bảo vệ trái đất khỏi bức xạ mặt trời đã và đang bị phá vỡ gây ra hiệu ứng nhà kính đe dọa toàn bộ sự sống trên trái đất…

        Kính bạch chư tôn đức!

Đức phật dạy: hạnh phúc hay khổ đau đều do con người tạo dựng chứ không phải do một đấng quyền năng nào tạo ra, ngày nào con người chế ngự được lòng Tham giận, si mê, tà kiến thì ngày đó thế giới sẽ không còn đau thương bởi kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình. Với trí tuệ toàn giác đức Phật đã tuyên bố:Đức hạnh vĩ đại nhất là đức hạnh đạt từ tình thương đại đồng, hạnh phúc tuyệt đối nhất là hạnh phúc đạt từ tâm hồn thanh thản.

       Ngài từng dạy: Này các tỷ kheo! các vị hãy đi vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

       Là những người con Phật chúng ta luôn ca vang niềm tự hào :

                           “Vinh quang thay chư Phật Giáng sinh

Rạng ngời thay giáo pháp cao minh

Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hợp

Hạnh phúc thay Tứ chúng đồng tu”

Về một góc nhìn nào đó chúng ta thấy: khắp trên đất nước đi tới đâu chúng ta cũng gặp Chùa, ngày càng nhiều Kỷ Lục Quốc Gia của các Chùa ở Việt nam, chứng tỏ nếp sống văn hóa Phật giáo đang bừng sức sống và lan tỏa trong nhân gian. Đã đành xây chùa, cất tháp, đúc chuông, đắp tượng là một việc làm mang tính bổn phận hoằng pháp, công đức vô cùng to lớn của mọi người con Phật trên trái đất này, Phật giáo việt nam làm được điều đó là vô cùng quý báu. Nhưng chúng ta cũng rất nên nhìn lại một vài phút giây thôi: Đức Từ Phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Ngài từ địa vị một Thái tử cao quý mà từ bỏ tất lầu vàng điện ngọc cả để tìm đường đưa chúng sinh ra khỏi những Phiền não Khổ đau. Khi thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài cũng đâu có vào ở lại trong lầu vàng điện ngọc, Ngài vì chúng sinh trong ba cõi mà du hành giáo hóa chúng sinh. Ngày hôm nay theo gót chân, hình bóng của Ngài, thừa lãnh giáo pháp Ngài truyền trao, không lẽ chúng ta mang hình tướng Xuất gia là giã từ ngôi nhà bằng bê tông cốt thép để vào ở trong tòa lâu đài bằng cốt thép bê tông hay sao? Với bổn phận: Trụ Pháp Vương Gia – Trì Như Lai Tạng có lẽ nào chúng ta lại với lý do Nhất Tăng Nhất tự thì còn đâu pháp sống Lục Hòa, Tam Ngoạt An Cư Thúc Liễm Thân Tâm Trau Rồi Giới Đức – Tấn Tu Tam Vô Lậu Học?

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn đức!

        Quý Đại Đức Tăng – Ni mạnh bước chân hoằng pháp ở các vùng sâu vùng xa là những tấm gương cao đẹp của tinh thần “ Hoằng pháp vi gia vụ – Lợi sanh vi bổn hoài”, đem lòng nhân ái chia sẻ cùng cuộc đời của chúng sinh những thiên tai bão lũ, vất vả cam go với hoài bão “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” rất đáng được trân trọng và tán thán nhưng làm Phật sự chúng ta phải luôn nhắc nhủ mình Lý – Sự phải dung thông.

Phật dạy rằng “ Ở đâu giới luật còn thì ở đó Phật pháp còn”. Ba tháng An Cư theo luật Phật chế cấm túc nếu chẳng phải Tăng Sai thì không được tự ra ngoài cương giới  cầu mong sao Phật Giáo Việt nam lập được Kỷ Lục Quốc Gia Trường Hạ An Cư có chúng Hành Giả Đông Nhất đó mới thực sự là:

  1. Văn thành tựu 2. Tín thành tựu 3. Thời thành tựu .
  2. Chủ thành tựu : 5. Xứ thành tựu 6. Chúng thành tựu

Lục Chủng Thành Tựu của một mùa an cư lợi lạc vô biên nhiêu ích hữu tình.

 Thay lời kết người viết xin thành tâm sám hối những gì lỡ phạm ý chư Tôn Đức và cầu chúc Chư Tôn Đức Vô lượng an lạc – Vô lượng tinh tấn – Vô lượng  cát tường.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát